Gạch sinh học làm từ nước tiểu

07-05-2019
Gạch sinh học làm từ nước tiểu
Một nhóm sinh viên từ trường đại học Cape Town đã chế tạo loại gạch sinh học đầu tiên trên thế giới bằng nước tiểu của con người. Các nhà khoa học trẻ đã thu thập nước tiểu từ các bể tiểu nam và trộn với cát và vi khuẩn.
Các viên gạch sinh học được tạo ra thông qua một quá trình tự nhiên gọi là kết tủa cacbonat vi sinh vật. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cát sẽ sản sinh ra một loại enzyme gọi là urease. Urease phân hủy urê trong nước tiểu và tạo ra calcium carbonate thông qua phản ứng hóa học phức tạp. Chất này làm cho cát có thể nén thành bất kỳ hình dạng nào.

Theo các nhà nghiên cứu, để tạo ra một viên gạch sinh học cần khoảng 25-30 lít nước tiểu, tương đương khoảng 100 lần đi vệ sinh của một người. Thời gian hoàn tất quá trình sản xuất loại gạch này mất tối đa từ 4-8 ngày.
Việc chế tạo ra các viên gạch sinh học nhận được đánh giá rất cao, bởi không giống những viên gạch truyền thống được nung ở nhiệt độ 1.400 độ C, gạch sinh học có thể chế tạo ở nhiệt độ phòng qua đó giúp giảm thiểu lượng khí carbon dioxide (CO2) gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý nữa là viên gạch này còn không hề có mùi, bởi mùi ammonia có trong nước tiểu sẽ biến mất sau vài ngày.

Về số lượng, nước tiểu chiếm chưa đến 1% lượng nước thải của một gia đình, nhưng nó lại chứa đến 80% nitrogen, 56% phosphorus và 63% kali trong nước thải. Đồng thời, cứ mỗi một viên gạch sinh học được sản xuất thành công từ nước tiểu cũng sẽ cho chúng ta 1kg phụ phẩm là nitrogen và kali, có thể dùng để sản xuất phân bón cho cây trồng.

Để đủ lượng nước tiểu cho dự án sản xuất gạch thì các nhà nghiên cứu đã thiết kế ra loại bồn vệ sinh đặc biệt để chứa nước tiểu đáp ứng nhu cầu sản xuất và thu được phụ phẩm dùng để sản xuất phân bón nông nghiệp.
Gạch sinh học sản xuất bằng nước tiểu là một trong những giải pháp quan trọng trong một tương lai xanh khi bầu khí quyển đang hứng chịu sự ô nhiễm nặng nề. Công trình nghiên cứu tạo nên sự lạc quan về việc hạn chế tối thiểu khí CO2 nguy hại đến môi trường trong ngành xây dựng và nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, thực tế sản xuất gạch sinh học vẫn còn vướng phải một số bất lợi khi thời gian tạo nên một viên gạch lên tới 6-8 ngày với chi phí cao. Hy vọng trong thời gian tới công trình nghiên cứu ứng dụng của gạch sinh học này sẽ chính thức có mặt thành công trên thị trường để khắc phục những hạn chế về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay.
Nguồn: Designboom
Bài viết tổng hợp bởi Lê Nhung - Marketing Truyền Thông - Prime Group
 
Tìm hiểu về các bài viết khác của Prime tại đây: 
BẠN CÓ THỂ THÍCH
Sidebar
ĐĂNG KÝ NGAY

Hỗ trợ từ Prime