Trồng cây trên mái nhà - chống thấm ra sao?

23-11-2019
Trồng cây trên mái nhà - chống thấm ra sao?
Không gian đô thị chật hẹp hiện nay khiến mảng xanh ngày càng trở nên hiếm hoi, vì vậy tạo vườn trên mái là giải pháp được nhiều người lựa chọn để tăng khoảng xanh cho căn hộ của mình. Tuy nhiên, kỹ thuật thực hiện là một vấn đề cần cân nhắc khi trồng cây xanh trên mái, để làm sao vừa đảm bảo tuổi thọ công trình vừa giúp cây luôn phát triển tốt.
Trồng cây khả thi trên bất kỳ chất liệu mái nào được thiết kế phù hợp, bao gồm thép, gỗ, bê tông, nhựa hoặc vật liệu tổng hợp, miễn là đáp ứng các yêu cầu cấu trúc cần thiết. Các thành phần hệ thống mái trồng cây xanh về cơ bản là giống nhau. Nhiều lớp chuyên dụng có thể thay đổi để phù hợp với những hệ mái đặc biệt như có độ dốc cao. Các chức năng cơ bản của các hệ thống này bao gồm:
♦ Chống thấm cho mái nhà,
♦ Bảo vệ bề mặt mái nhà khỏi sự xâm nhập của rễ,
♦ Thoát nước, và
♦ Hỗ trợ sự phát triển của lớp thực vật.
Hình 1: Các thành phần cơ bản của hệ thống vườn trên mái (archsd.gov.hk)
Hình 2: Hệ thống vườn trên mái thông thường (bên trái) và nhẹ (bên phải) (archsd.gov.hk)
Chống thấm
Chống thấm được cho là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất của hệ thống mái trồng cây xanh. Để việc chống thấm duy trì hiệu quả, nó phải có khả năng chống rễ trong thời gian dài và phải đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết (như tiêu chuẩn FLL của Đức). Ngoài ra, nếu lớp chống thấm không có khả năng chống rễ thì hệ thống mái trồng cây xanh phải bao gồm một lớp chống rễ riêng biệt. 
*Hướng dẫn làm vườn trên mái FLL
Trên mái nhà mới, lý tưởng nhất là chống thấm kép cho hệ thống bằng bê tông chống thấm (bê tông bổ sung thêm phụ gia HPI,...) cũng như phủ một lớp màng chống thấm ở trên (TPO, PVC, EPDM,...). Lớp màng chống thấm này cũng được khuyên sử dụng cho hệ thống mái nhà hiện có, nơi không thể áp dụng hệ thống bê tông chống thấm. 
Hình 3: Lớp chống thấm làm từ EPDM (semrock.co.za)
Lớp chắn rễ
Một lớp bảo vệ gốc, rễ riêng biệt là cần thiết nếu lớp chống thấm có chứa bitum, nhựa đường, hoặc bất kỳ vật liệu hữu cơ nào khác. Bất kỳ sự xâm nhập nào của rễ cũng là đường dẫn cho các vi sinh vật phá hủy lớp màng làm từ vật liệu gốc dầu hữu cơ. Màng bảo vệ rễ thường được làm bằng cuộn PVC dày 1mm. Mái nhà trồng cây với bộ rễ đâm sâu, rộng (cây tre, cây sanh, cây si,...) có thể cần một hệ thống bảo vệ rễ mạnh mẽ hơn, có khả năng chịu được sự xâm nhập của rễ cây. Đây thường là những tấm nhựa cứng dày hoặc thậm chí là tấm kim loại (thường là đồng). 
Hình 4: Lớp chắn rễ (keywordbasket.com)
Lớp bảo vệ
Giữa lớp chống thấm và thoát nước, lớp bảo vệ thường được khuyên dùng. Đây thường là vải địa kỹ thuật, bảo vệ lớp chống thấm khỏi hư hại cơ học, giúp phân cách, lọc, bảo vệ, gia cường và thoát nước, ngăn cho tầng đất, cát phía trên không rơi xuống các lỗ thoát nước.  Mái nhà trồng cây thường sử dụng một lớp polypropylen 300gr / m2. Nên sử dụng lớp bảo vệ dày hơn (từ 400-800 gr / m2) cho mái nhà trồng các loại cây lớn hơn.
Hình 5: Lớp bảo vệ (vuontuongdung.net)
Lớp thoát nước
Mục đích chính của lớp thoát nước là thoát nước thừa, ngăn ngừa úng kéo dài. Để đảm bảo công năng, lớp thoát nước cũng cần được bảo vệ bởi một màng chống thấm. Lớp thoát nước giúp làm thoáng đất nền, cung cấp luồng không khí bên trong, bên dưới chất nền. Các lớp thoát nước chỉ áp dụng cho các bề mặt phẳng hoặc hơi dốc (<5 °).
Có ba loại vật liệu thoát nước chính: là các vật liệu dạng hạt (hạt sỏi thô, đá vụn, gạch đất sét vỡ, clinker, scoria (đá nham thạch), đá bọt,...; Thảm xốp;  Mô-đun thoát nước nhẹ bằng nhựa hoặc polystyrene. Nếu sử dụng loại đất thích hợp, mái nhà với độ dốc từ 3 ° -10 ° có thể thoát nước tự nhiên mà không cần lớp thoát nước. Đối với độ dốc trên 10 °, nên thiết kết một máng có khả năng giữ nước vì sự thoát nước tự nhiên có thể quá nhanh.
Hình 6: Lớp thoát nước (achigreenltd.com)
Đất trồng
Tìm ra hỗn hợp đất thích hợp cho vườn trên mái là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của dự án. Một số yêu cầu chung:
♦  Có khả năng giữ ẩm hiệu quả,
♦  Nước thừa dễ thoát đi,
♦  Sục khí tốt
♦ Có khả năng hấp thụ và cung cấp chất dinh dưỡng,
♦ Giữ lại khối lượng theo thời gian; và
♦ Cung cấp khả năng neo thích hợp cho cây trồng
Tại Việt Nam, bước đầu đã có một số công trình thiết kế trồng cây trên mái nhà. Tiêu biểu là các dự án của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.
Hình 7: Stone house (Võ Trọng Nghĩa)
Tham khảo một số công trình khác thiết kế trồng cây trên mái tại đây
Kết luận
Trồng cây trên mái nhà yêu cầu kỹ thuật thi công cao và các yếu tố về chống thấm, rễ, thoát nước,... nghiêm ngặt để vừa đảm bảo sự bền vững cho công trình, vừa duy trì mảng xanh luôn tươi tốt. Khi đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì ý tưởng thiết kế “Lợp xanh mái nhà đẹp” của các kiến trúc sư là một giải pháp cho tình trạng thiếu không gian xanh hiện nay ở các đô thị, tạo thêm không gian sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên, từng bước tiếp cận kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững.

Tìm hiểu thêm các bài viết khác về ngói: 

xem thêm các sản phẩm ngói Prime tại đây: https://prime.vn/san-pham/ngoi-prime

Bài viết bởi Thuỳ Linh - Ban Chiến lựơc và phát triển thương hiệu

 
Tổng hợp bởi Nguyễn Thị Mai Hồng - Marketing truyền thông
 
BẠN CÓ THỂ THÍCH
Sidebar
ĐĂNG KÝ NGAY

Hỗ trợ từ Prime